Ý nghĩa của tượng cóc ngậm tiền cùng với truyền thuyết của nó đã được lý giải khá chi tiết trong bài sản phẩm Cụ Khiết (Cóc ngậm tiền). Tuy nhiên, ở bài viết này sẽ mở ra cho bạn đọc (đặc biệt là những người yêu kinh Dịch) một hướng tiếp cận khá mới mẻ dưới góc nhìn của chuyên gia Dịch lý Tony Nguyen.
Cụ Khiết (Cóc ngậm tiền) trước giờ đều đã được ứng dụng rất nhiều trong Địa lý Phong thủy, đặc biệt là Địa lý Lạc Việt như một tuyệt chiêu để hóa giải những cái xấu và bảo vệ gia chủ với câu nói dân gian khá nổi tiếng: “Con Cóc là cậu ông trời, có ai đánh Cóc thì Trời đánh cho”. Đồng thời còn là vật phẩm ứng dụng kích tài lộc.
Ngoài ra, cùng với sự nghiên cứu và phục hồi của TT Nghiên cứu Lý học Đông phương, đã kết hợp với nhà cảm xạ học Dư Quang Châu dùng máy đo bức xạ RFI chứng minh cho thấy ở phần miệng của cụ phát ra bức xạ cực mạnh.
Chưa hết, cụ còn là biểu tượng cho một nền văn minh Khoa đẩu, nền văn minh từng sử dụng chữ viết là được gọi chữ Khoa đẩu, Khoa đẩu là con nòng nọc. Trong sự phát triển của một nền văn minh, việc tạo ra chữ viết để trao đổi thông tin là vấn đề thiết yếu.
- Đọc thêm trong bài viết: Cơ sở chứng minh La bàn là của người Việt
Quay lại vấn đề phân tích quẻ Dịch từ hình tượng cụ Khiết. Điểm đáng chú ý và đặc biệt của cụ Khiết (Cóc) là mang trên lưng chùm thất tinh (7 ngôi sao chòm Tiểu Hùng Tinh), kế đến là cụ chỉ có 3 chân.
Xét từ trên xuống theo nguyên tắc Dương trước Âm sau thì:
- 7 ngôi sao ứng với quẻ số 7 – quẻ Cấn làm thượng quái.
- 3 chân ứng với quẻ Ly làm hạ quái.
Như vậy là ra được quẻ Sơn Hỏa Bí. Theo lời diễn giải tóm tắt trong sách “Kinh Dịch – Đạo của người quân tử“, tác giả Nguyễn Hiến Lê, thì quẻ này như sau:
Sơn hoả bí: Sức dã. Quang minh. Trang sức, phản chiếu, sửa sang, trang điểm, thấu suốt, nội soi, rõ ràng. Quang minh thông đạt chi tượng: Tượng quang minh, sáng sủa, thấu suốt; bày tỏ.
Rõ ràng lời diễn giải khá trùng khớp với việc cụ là biểu tượng đại diện cho một nền văn minh.
Chúng ta cùng xem tiếp quẻ hỗ của Sơn Hỏa Bí. Sơn Hỏa Bí có quẻ hỗ là Lôi Thủy Giải có lời diễn giải như sau:
Lôi thủy giải: Tán dã. Nơi nơi. Làm cho tan đi như làm tan sự nguy hiểm, giải phóng, giải tán, loan truyền, phân phát, lưu thông, ban rải, ân xá. Lôi vũ tác giải chi tượng: Tượng sấm động mưa bay; bung ra, ly tán.
Lời diễn giải ở trên cũng nói về việc khả năng cụ Khiết có thể hóa giải được những nguy hiểm, những điều hại đến với gia chủ như trước giờ thường ứng dụng. Khi ứng dụng Dịch thì thường sẽ có 3 quẻ đi kèm nhau để dự đoán từ bản chất hay bắt đầu cho đến diễn biến rồi kết quả cuối cùng là quẻ biến.
Vậy còn quẻ biến là gì?
Lấy 3 chân của cụ làm hào động với lý luận chân là dùng để đi tức là tạo ra phần động. Như vậy thì Sơn Hỏa Bí động hào 3 ra thành Sơn Lôi Di. Chúng ta hãy cùng xem xét tiếp lời diễn giải cho quẻ này:
Sơn lôi di: Dưỡng dã. Dung dưỡng. Chăm lo, tu bổ, càng thêm, ăn uống, bổ dưỡng, bồi dưỡng, ví như Trời nuôi muôn vật, Thánh nhân nuôi người. Phi Long nhập uyên chi tượng: Tượng Rồng vào vực nghỉ ngơi; Ý nuôi dưỡng, chờ đợi.
Trong quẻ trên, rõ ràng lại có sự tương đồng với câu nói “Con Cóc là cậu ông Trời, có ai đánh Cóc thì Trời đánh cho“. Đây là phân tích từ hình tượng cụ Cóc ứng với các quẻ của Dịch.
Vậy còn hình tượng nào của cụ Khiết trong việc kích thích tài lộc?
Với góc nhìn cụ Khiết nhìn từ phía sau qua hình đã cung cấp ở trên, bạn để ý trên đầu cụ còn có hình tượng của 3 ngọn lửa. Trong đồ hình Bát quái Tiên thiên thì quái Ly cũng có biểu tượng là lửa và cũng có thuận tự là số 3 (Càn – Đoài – Ly – Tốn – Chấn – Khảm – Cấn – Khôn, theo Tiên thiên Lạc Việt thì Tốn Chấn đổi chỗ cho nhau so với Tiên thiên của Tàu). Lửa ở trên đầu, mà đầu thì ứng với quẻ Càn. Như vậy, ta có Ly làm thượng quái, Càn làm hạ quái sẽ ra quẻ Hỏa Thiên Đại Hữu. Quẻ Đại Hữu này được diễn giải như sau:
Khoan dã. Cả có. Có nhiều, thong dong, dung dưỡng nhiều. Độ lượng rộng, có đức dày, chiếu sáng lớn. Kim ngọc mãn đường chitượng: Tượng vàng bạc đầy nhà; bạn hữu, số nhiều.
Ngoài ra, tác giả xin phép dẫn thêm lời phân tích của bạn Hoàng Văn Nam ở đây để quý bạn đọc cùng tham khảo.
Xét về hình tượng cụ Khiết, đây là ông cóc 3 chân, miệng ngậm đồng tiền, ngồi trên rất nhiều đồng xu nhỏ. Ta có thể thấy không phải bỗng nhiên ông khiết có 3 chân. Ba chân ở độ số 3, theo Dịch học thì đây là Quái Ly biểu trưng cho Lửa. Các đồng tiền tròn biểu trưng cho trời (Trời tròn đất vuông). Vậy xét tổng quan hình tượng cụ Khiết biểu trưng cho quẻ Hỏa Thiên Đại Hữu. Ý nghĩa của Quẻ Đại Hữu trong là khả năng sử hữu tài vật ở mức Cao nhất, mang lại tiền của cho người sở hữu bởi chính trường khí mà hình tượng này sinh ra theo quan điểm “Hình nào Khí đó”.
Ngoài ra, quẻ này “ở trên Càn là lửa ở trên trời, chiếu sáng mọi vật như vậy là “có lớn” Ly lại có nghĩa là văn minh, Càn là cương kiện, gồm cả văn minh và cương kiện cho nên rất hanh thông.” – Trích Kinh dịch đạo của người quân tử. Biểu trưng của quẻ này còn thu hút người tài về với mình chứ không đơn thuần là tiền bạc vật chất. Chính quan điểm này sẽ giúp đương chủ có càng nhiều tiền của.
Xét thêm 1 khía cạnh khác, Theo quan điểm của Phong Thủy Lạc Việt thì cụ Khiết phải tháo đồng tiền trên miệng mới có tác dụng lớn.
Câu hỏi đặt ra là khi tháo đồng tiền ra sẽ như thế nào?
Khi tháo đồng tiền trên miệng cụ Khiết thì có thể tính là động hào 1. Nếu xét quẻ Hỏa Thiên Đại Hữu động hào 1 là quẻ Hỏa Phong Đỉnh. Xét ở 1 khía cạnh khác nữa, khi tháo đồng tiền trên miệng sẽ có khoảng trống hay cóc có thể phát ra âm Thanh – Tượng trưng cho Quái Tốn. Nếu kết hợp Cóc có trước là Dương, Tháo đồng xu tạo Quái Tốn sau là m thì đây cũng là Quẻ Hỏa Phong Đỉnh. Đây cũng là một sự trùng hợp mang nhiều ẩn ý khi tháo Đồng tiền này.
Quẻ Hỏa Phong Đỉnh mang ý nghĩa cân bằng, biểu trưng cho gia đình êm ấm, đông con cháu, dĩ hòa vi quý giải trừ mọi xung đột. Ngoài ra quẻ này tượng trưng cho người sở hữu nâng đỡ các người tài, giúp họ khai sáng, nuôi dưỡng họ. Quẻ Đỉnh còn tượng trưng cho sự sáng suốt anh minh.
Vậy tổng hợp lại tạo ra một trường khí cân bằng và hợp lý.
-
Đầu tiên là quẻ Hỏa Thiên Đại Hữu, giúp thi nạp người tài, thu hút tài vận đến với mình.
-
Quẻ Hỏa Phong Đỉnh giúp nuôi dưỡng và khai sáng, giảm sự cạnh tranh, xung đột. Cũng có thể chính vì lẽ đó mà biểu tượng cụ Khiết khi tháo đồng tiền sẽ mang lại hòa khí và tiền bạc, giúp gia đình êm âm hòa thuận, đông con đông cháu. Đây cũng phù hợp với các quan điểm cụ Phong Thủy Lạc Việt về cụ Khiết khi tháo đồng tiền trên miệng.
Bài viết này chỉ là những phân tích giải mã và diễn giải về hình tượng cụ Khiết, không phải là cơ sở để chứng minh cho điều gì cả. Nhưng qua đây cũng cho thấy khi tạo ra các tác phẩm, ông cha ta đều có sự minh triết thâm sâu và và nghệ thuật điêu luyện.